[tintuc]

Phát triển cây dược liệu thành cây làm giàu của Việt Nam


Việt Nam có nguồn dược liệu lớn nhưng những năm qua chưa phát huy được đúng tiềm năng. Đó là thực trạng được nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam được tổ chức vào sáng 12/4.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị tại đầu cầu Lào Cai.
Khó kiểm soát chất lượng dược liệu
Theo báo cáo của Bộ Y Tế, Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng với trên 5.000 loài cây thuốc. Bên cạnh đó, hiện thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam là rất lớn với nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 – 80.000 tấn dược liệu.
Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thườn vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nguồn dược liệu của Việt Nam vẫn phải nhập của nước ngoài. Việc nuôi trồng dược liệu trong nước chưa có quy hoạch và định hướng phát triển của từng địa phương. Dược liệu trong nước chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh, nhất là trong quá trình hội nhập.
Công tác quản lý chất lượng dược liệu có nhiều bất cập. Từ năm 2012 đến nay, Bộ Y tế đã phát hiện một số lượng lớn dược liệu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Riêng trong năm 2016, trong 2.724 mẫu dược liệu được kiểm tra phát hiện 374 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Nghệ An được xác định có962 loài cây và nấm làm thuốc, thuộc 635 chi, 183 họ.
Năm 2013, tỉnh ban hành Quyết định số 4213/QĐ – UBND về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An. Theo đó, sẽ xây dựng các vùng sản xuất tập trung một số loại dược liệu trên đất của các lâm trường, tổng đội TNXP... để tạo nguyên liệu cho nhà máy chế biến với công xuất 50.000 tấn dược liệu thô/năm.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác quản lý dược liệu là kiểm soát dược liệu nhập khẩu.
Tình trạng vận chuyển lậu dược liệu qua các lối mòn, cửa phụ diễn biến phức tạp. Cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng chứ chưa kiểm tra được chất lượng của các dược liệu.
Ngoài ra, theo đại diện của Công ty cổ phần Traphaco: Sản phẩm chế biến từ dược liệu trong nước có giá thành cao hơn so với sản phẩm có cùng tác dụng của nước ngoài nên việc tiêu thụ tại thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng nhái, giả mạo các sản phẩm có uy tín cũng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh phải lao đao.
Cây dược liệu có thể là cây xóa đói giảm nghèo
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những bất cập của ngành dược liệu hiện nay là do chưa quy hoạch được vùng dược liệu phát triển theo chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp; sản xuất manh mún, không có đầu ra bền vững. 
lần đầu tiên, một hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước tìm giải pháp phát triển ngành dược liệu
Đây là lần đầu tiên, một hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước tìm giải pháp phát triển ngành dược liệu được triển khai. Ảnh: Mỹ Hà
Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Cần có khuôn khổ chính sách pháp luật rõ hơn, thậm chí phải sửa luật pháp để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần phải phát triển công nghệ dược ở Việt Nam để chế biến hiệu quả và phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu Việt Nam ra quốc tế.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển ngành dược liệu Việt Nam; xây dựng chương trình khoa học trọng điểm về dược liệu; có chính sách hỗ trợ, công nhận các bài học cổ truyền, lựa chọn một số dược liệu có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển như sản phẩm của quốc gia.
Vườn ươm cây trà hoa vàng ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh tư liệu
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông để giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về phát triển dược liệu Việt Nam; khuyến khích việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đơn giản hóa các thủ tục thanh toán, có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định.
Về phía các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến cán bộ làm công tác dược liệu, bổ sung nhân lực quản lý y dược cổ truyền nói chung và dược liệu nói riêng. Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Công thương, Hải quan và các địa phương tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu dược liệu. 
Mỹ Hà
[/tintuc]

SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ

NHẬN XÉT