[tintuc]


(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Trong đó nêu rõ 3 định hướng phát triển ngành dược liệu Việt NamẢnh minh họa

Một là, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng phát triển. Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế.

Hai là, phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành dược liệu không đồng nghĩa với bao cấp đối với việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu. Phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu.

Ba là, phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng; tiếp tục khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu quy mô lớn

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, các bộ liên quan xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành chính sách đặc thù phát triển ngành dược liệu, công nghiệp dược.

Các thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương có tiềm năng dược liệu thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng dược liệu quy mô lớn. Nghiên cứu hình thành các trung tâm kinh doanh và thu mua dược liệu tại các vùng miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan đề xuất, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về dược liệu, thuốc cổ truyền trong các Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, trong đó chú trọng việc bảo tồn nguồn gen và phát triển dược liệu quý, hiếm, đặc hữu; có chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu, thuốc cổ truyền đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia để đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Bộ Y tế chủ trì, nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và ngân hàng thương mại), liên kết giữa các địa phương, các vùng.

Lựa chọn 100 loại cây có giá trị tập trung phát triển

Về nuôi trồng, khai thác, chế biến, sử dụng dược liệu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, cùng Hiệp hội dược liệu Việt Nam xem xét lựa chọn 100 loại cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển; thúc đẩy nuôi trồng chuyên canh quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc công nhận và có tiêu chí đặc thù đối với việc công nhận giống cây dược liệu, bảo đảm chất lượng giống; khẩn trương ban hành các quy trình chuẩn trong nuôi trồng dược liệu.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược liệu được hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản dược liệu sau thu hoạch. Khuyến khích nghiên cứu khoa học về chế biến dược liệu trước hết là đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chế biến dược liệu quy mô công nghiệp.

Bộ Y tế mở rộng Danh mục dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế; xây dựng cơ chế thanh toán đặc thù cho thuốc nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và thuốc hóa dược tại các tuyến; có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn GACP, dược liệu hữu cơ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ, bố trí nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về dược liệu. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dược liệu tại các tỉnh, thành phố trọng điểm (gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Long An, Đăk Nông).

UBND các tỉnh, thành phố, trước hết là các tỉnh, thành phố trọng điểm xây dựng kế hoạch để triển khai kịp thời các đề án, dự án trong quy hoạch phát triển dược liệu; bố trí diện tích phù hợp để trồng dược liệu, nhất là những dược liệu có thế mạnh của địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước mắt là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các dự án phát triển nuôi trồng dược liệu trên địa bàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu.

Minh Hiển 
[/tintuc]

SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ

NHẬN XÉT