[tintuc]

Yên Bái trồng cây dược liệu gì có lợi nhất?


YBĐT - Nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có và phát huy hiệu quả ngành nông nghiệp, thành phố Yên Bái đã xây dựng "Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới. Trong ngành y học cổ truyền Việt Nam, với sự nhấn mạnh về nguồn sản xuất mạnh mẽ của các loại thuốc thảo dược, Dược Liệu Xuân Ái xin đề nghị một số loại cây dược liệu nhu cầu đang có xu hướng tăng lên trong những năm tới, giúp người nông dân đạt được lợi nhuận tối đa nhất khi đầu tư trồng cây dược liệu tại Yên Bái.


Quế




Quế, Quế đơn, Quế bì - Cinnamomum cassia Presl, thuộc họ Long lão - Lauraceae.

Mô tả: Cây gỗ lớn cao 10-20m. Vỏ thân nhẵn. Lá mọc so le, có cuống ngắn, cứng và giòn, đầu nhọn hoặc hơi tù, có 3 gân hình cung. Mặt trên lá xanh sẫm bóng. Cụm hoa hình chùm xim ở nách lá hoặc ở ngọn cành. Hoa màu trắng. Quả hạch, hình trứng, khi chín màu nâu tím, nhẵn bóng.

Hoa tháng 6-8, quả từ tháng 10-12 tới tháng 2-3 năm sau.

Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ cành - Cortex Cinnamomi Cassiae, thường gọi là Nhục quế.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trong rừng phổ biến từ miền Bắc vào Trung, trên dãy Trường Sơn. Còn được trồng ở nhiều nơi. Trồng bằng hạt hoặc bằng cành.

Vỏ thân, cành, thu hái vào mùa hạ, mùa thu. ủ hoặc để nguyên cho khô dần ở chỗ râm mát, thoáng gió. Có thể cất lấy tinh dầu.

Thành phần hóa học: Vỏ giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2-1,5%) nhưng tinh dầu lại giàu aldehyd cinnamic (80,85%). Không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin.

Tính vị, tác dụng: Vị cay, ngọt, tính rất nóng, mùi thơm; có tác dụng ôn trung bổ ấm, tán ứ chỉ thống và hoạt huyết thông kinh.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: 1. Ðau dạ dày và đau bụng, ỉa chảy; 2. Choáng, cảm lạnh, buốt các ngón tay chân; 3. Ho hen, đau khớp và đau lưng; 4. Bế kinh, thống kinh; 5. Huyết áp cao, tê cóng.

Dùng vỏ 0,9-3g cho vào cốc và pha nước sôi, đậy kín một lát rồi uống. Cũng có thể dùng 1-4g ngâm rượu hoặc sắc uống. Hoặc dùng bột, mỗi lần 0,5-2,5g uống với nước ấm. Không dùng cho phụ nữ có thai.

Đơn thuốc:

1. Kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng: 4g bột vỏ cành ngâm rượu uống.

2. Chữa ỉa chảy: 4-8g vỏ thân sắc uống với 4g hạt Cau già, 2 lát Gừng nướng, 19g gạo nếp rang vàng.

Khôi nhung


Khôi, Khôi tía, Cơm nguội rừng - Ardisia silvestris Pit, thuộc họ Đơn nem - Myrsinaceae.

Mô tả: Cây nhỏ cao tới 2m, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Lá tập trung ở đầu ngọn hay các nhánh bên; phiến lá thon ngược dài 15-40cm, rộng 6-10cm, mặt trên màu lục sẫm mịn như nhung, mặt dưới màu tím đỏ, gân nổi hình mạng lưới, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa mọc thành chùm, dài 10-15m, màu trắng pha hồng tím gồm 5 lá đài và 3 cánh hoa. Quả mọng, khi chín màu đỏ.

Hoa tháng 5-7, quả tháng 2.

Bộ phận dùng: Lá, rễ - Folium et Radix Ardisiae Silvestris.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trong rừng rậm vùng núi ở độ cao 400-1000m, từ Lào cai, Lạng sơn, Hoà bình, Vĩnh phú, Bắc thái, Thanh hoá tới Quảng Trị, Quảng nam - Đà nẵng. Thu hái lá vào mùa hè - thu, đem về phơi nắng cho tái rồi phơi và ủ trong râm.

Thành phần hoá học: Có tanin và glucosid.

Tính vị, tác dụng: Vị chua. Nước sắc lá có tác dụng làm giảm độ acid của dạ dày.

Công dụng: Nhân dân miền ngược vùng Lang chánh, Ngọc lạc tỉnh Thanh hoá thường dùng lá Khôi chế biến, sắc uống chữa đau bụng. Hội Đông y Thanh hoá đã kếp hợp dùng lá Khôi (80g), lá Bồ công anh (40g) và lá Khổ sâm (12g) sắc uống chữa đau dạ dày; có thể gia thêm lá Cam thảo dây (20g). Nhiều địa phương khác ở tỉnh Nghệ an cũng dùng lá Khôi chữa đau dạ dày. Lá Khôi được dùng với lá Vối, lá Hoè nấu nước tắm cho trẻ bị sài lở, hoặc giã với lá Vối trộn với dầu vừng đắp nhọt cho trẻ. Đồng bào Dao dùng rễ cây Khôi thái nhỏ phơi khô ngâm rượu uống cho bổ huyết, lại dùng sắc uống chữa kiết lỵ ra máu, đau yết hầu và đau cơ nhục.

Sơn tra


Sơn tra, Gan, Pom rừng - Malus doumeri (Bois) Chev., thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 10-15m (đến 30m). Cành non có gai và có lông. Lá hình trứng, mọc so le, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa, lúc non có lông, sau nhẵn, cuống dài 2-4cm, lá kèm cao 5mm, mau rụng. Cụm hoa hình tán ở nách lá, gồm 3-7 hoa màu trắng; nhị 30-50; bầu 5 ô, có hạch hình cầu hơi dẹt, khi chín màu vàng lục, đầu có u vì gốc vòi nhuỵ và lá đài còn để lại dấu vết. Hạt màu nâu sẫm.

Hoa tháng 12-3; quả tháng 9-11.

Bộ phận dùng: Quả - Fructus Mali Doumeri.

Nơi sống và thu hái: Loài phân tán trong rừng rậm thường xanh, núi cao 1500-2000m. Lá rụng vào mùa đông. Có nhiều ở rừng Tu mơ rông (Kon Tum) và Lang Bian (Lâm Đồng). Cũng được trồng ở miền núi để lấy quả. Thu hái quả vào mùa thu - đông, thái từng khoanh, phơi khô.

Thành phần hoá học: Có tanin, đường, acid tartric, acid citric.

Tính vị, tác dụng: Vị chát, ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu tích trệ, hoá đờm rãi, thông ứ trệ, giải độc cá thịt.

Công dụng: Quả ăn được và thường dùng chữa: 1. Ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau bụng, ỉa chảy, lỵ, đau bụng do ứ huyết sau khi sinh; 2. Cao huyết áp; 3. Trẻ em cam tích. Ngày dùng 8-20g dạng thuốc sắc, cao lỏng, thuốc bột hoặc viên.

Dùng ngoài chữa chốc lở, lở sơn; dùng quả nấu nước để tắm, rửa.

Đơn thuốc:

1. Chữa tích trệ, bụng đầy: Quả Sơn tra 20g, Chỉ xác 12g, Hậu phác 8g sắc uống.

2. Lỵ ra máu mũi, trẻ em cam tích: Quả Sơn tra 30g sắc uống.

Hà thủ ô đỏ


Hà thủ ô, Hà thủ ô đỏ - Polygonum multiflorum Thumb, thuộc họ Rau răm - Polygonaceae.

Mô tả: Cây thảo leo bằng thân quấn, sống nhiều năm, thân dài tới 5-7m, mọc xoắn vào nhau, màu xanh tía, không lông. Rễ phình thành củ, ngoài nâu, trong đỏ. Lá mọc so le, có cuống dài, phiến lá giống lá rau muống, có gốc hình tim hẹp, chóp nhọn dài, mép nguyên. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm nhiều chuỳ ở nách lá hay ở ngọn. Quả bế hình ba cạnh, màu đen.

Hoa tháng 8-10. Quả tháng 9-11

Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Polygoni Multiflori; thường dùng với tên Hà thủ ô.

Nơi sống và thu hái: Cây của châu á, mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, có nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình có số lượng ít hơn. Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều nơi vùng ở phía Bắc (Vĩnh Phú) và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định. Có thể tái sinh bằng hạt nhưng thường được trồng dễ dàng bằng những đoạn thân hay cành bánh tẻ dài 30-40cm hoặc bằng củ có đường kính 3-5cm. Sau 2-3 năm thì thu hoạch. Lấy củ rửa sạch cắt bỏ rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ thành miếng phơi khô làm thuốc. Thu hoạch vào mùa đông khi cây đã tàn lụi. Lá có thể dùng làm rau ăn; dây lá cũng có thể dùng làm thuốc. Củ Hà thủ ô có thể dùng tươi, không chế hoặc chế với đậu đen, có nhiều cách làm:

- Đỗ đen giã nát cũng ngâm với Hà thủ ô đã thái miếng trong một đêm, sáng đem đồ lên rồi phơi nắng trong một đêm lại ngâm với Đỗ đen, lại đồ và phơi, làm 9 lần.

- Củ Hà thủ ô ngâm nước vo gạo 24 giờ, rửa lại rồi cho vào nồi, cứ 10g Hà thủ ô, cho 100g Đỗ đen và 2 lít nước. Nấu đến khi gần cạn. Đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm lấy ra bỏ lõi. Nếu còn nước Đỗ đen thì tẩm, phơi cho hết. Đồ, phơi được 9 lần là tốt nhất.

Thành phần hóa học: Củ Hà thủ ô chứa 1,7% antraglucosid, trong đó có emodin, chrysophanol, rhein, physcion; 1,1% protid, 45,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ, 26,4% các chất tan trong nước, lecitin, rhaponticin (rhapontin, ponticin). 2,3,5,4 tetrahydroxytibene -2-O-b-D-glucoside. Lúc chưa chế, Hà thủ ô chứa 7,68% tanin, 0,25% dẫn chất anthraquinon tự do, 0,8058% dẫn chất anthraquinon toàn phần. Sau khi chế, còn 3,82% tanin. 0,1127%, dẫn chất anthraquinon tự do và 0,2496% dẫn chất anthraquinon toàn phần.

Tính vị, tác dụng: Hà thủ ô có vị đắng chát, hơi ngọt, tính bình; có tác dụng bổ huyết giữ tinh, hoà khí huyết, bổ gan thận, mạnh gân xương, nhuận tràng. Thử trên động vật thí nghiệm, người ta nhận thấy nước sắc Hà thủ ô có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, có tác dụng tốt đối với các trường hợp suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh, làm tăng hoạt động của tim, giúp sinh huyết dịch, làm tăng sự co bóp của ruột, giúp ích cho sự tiêu hoá, lại có tác dụng chống viêm.

Lưu ý : Trên đây được khuyến khích thảo mộc trồng trong việc lựa chọn trồng để phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của khu vực, lựa chọn theo tình hình thực tế, giá được dựa trên bất cứ được phát hành cùng ngày, những gì loại thảo mộc để cung cấp các loại thảo mộc trồng có lợi nhất chỉ để tham khảo.
[/tintuc]

SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ

NHẬN XÉT